Home > Uncategorized > Những thương hiệu hạng sang được “thèm muốn” nhất

Những thương hiệu hạng sang được “thèm muốn” nhất

Nếu được hỏi sẽ mua gì nếu có trong tay một số tiền thật lớn, nhiều người nghĩ ngay tới một chiếc xe hơi sang trọng, một chuyến du lịch vòng quanh thế giới, hoặc một ngôi biệt thự lớn.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều người lựa chọn mua một món hàng hiệu Gucci, bởi đây đang là thương hiệu hạng sang được khao khát nhất trên thế giới.

Đây là kết quả cuộc điều tra năm 2007 mà công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện tại 48 nước trên thế giới. Câu hỏi đặt ra với 25.000 người tiêu dùng tham gia vào cuộc điều tra này là họ sẽ mua sản phẩm của thương hiệu hạng sang nào nếu tiền không phải là vấn đề. Ngoài Gucci, những thương hiệu hạng sang được chọn nhiều nhất là Chanel, Calvin Klein, Louis Vuitton, Christian Dior, Versace, Giorgio Armani, Ralph Lauren, Prada, và Yves Saint Laurent.

Cũng dễ hiểu vì sao Gucci đứng ở ngôi đầu. Doanh số của thương hiệu này đã tăng mạnh kể từ khi Mark Lee được đưa vào ghế Chủ tịch công ty vào năm 2004 và sau đó là vị trí Giám đốc điều hành (CEO) vào năm 2005, mặc dù có tăng hơi chậm lại trong thời gian gần đây. Năm 2007, doanh số của Gucci tăng 11%, sau khi đã tăng 17% trong năm 2006 và 18,4% trong năm 2005.

Gucci là một bộ phận của Gucci Group, hãng thời trang với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Yves Saint Laurent và Sergio Rossi. Sở hữu Gucci là tập đoàn PPR của Pháp.

Xuất thất là một công ty sản xuất đồ da, Gucci hiện nổi tiếng hơn cả với các sản phẩm túi xách. Tháng trước, Gucci mở một gian hàng rộng khoảng 4.300 m2 tại tòa tháp Trump ở Đại lộ số 5 khu Manhattan. Đây là cửa hàng rộng nhất trong số 233 cửa hàng của Gucci trên toàn thế giới.

Nhân dịp này, hãng tung ra bộ sưu tập túi xách hiệu “Gucci Loves New York” và bán hết sạch ngay trong hai ngày đầu tiên. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán bộ sưu tập túi này đã được Gucci sử dụng làm từ thiện.

Cùng đứng thứ hai trong danh sách những thương hiệu hạng sang được ưa chuộng nhất thế giới là Chanel và Calvin Klein.

Được nhà thiết kế Coco Chanel thành lập vào năm 1909, Chanel nổi tiếng với các sản phẩm váy áo và túi xách mang phong cách cổ điển. Sản phẩm được chuộng nhất hiện nay của Chanel là chiếc bóp da có những đường chần chỉ và chiếc đầm hở tay bằng lụa cashemere với đường viền màu hồng.

Gương mặt đại diện cho Chanel hiện là nữ minh tinh Hollywood Keira Knightley. Đứng đầu Chanel hiện nay là nhà thiết kế lừng danh Karl Lagerfeld.

Được bán lại cho tập đoàn thời trang Phillips Van Heusen vào năm 2003, đến năm 2006, doanh số toàn cầu của Calvin Klein tăng gấp rưỡi lên mức 4,5 tỷ USD.

Thành công này có được là nhờ 3 thương hiệu của hãng, bao gồm Calvin Klein Collection – dòng sản phẩm thời trang và phụ kiện nhà thiết kế, ck Calvin Klein – dòng sản phẩm thời trang và phụ kiện hạng sang, và Calvin Klein – dòng sản phẩm thời trang và hàng phụ kiện bình dân hơn.

Sản phẩm “đỉnh” nhất của Calvin Klein cho mùa xuân năm nay là những chiếc quần ống vẩy bằng vải mỏng cho nam và những chiếc váy trắng chiết eo cao dành cho nữ.

Kết quả điều tra của Neilsen cho thấy, thời trang nhà thiết kế của các thương hiệu lớn được chuộng nhất tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Hồng Kông. Gần 2/3 số người được hỏi ở hai khu vực này cho biết họ muốn mua sản phẩm của Gucci, trong khi chỉ có 7% người Mỹ cho biết họ muốn mua các sản phẩm của thương hiệu này.

Trong khi thời trang nhà thiết kế đang rất “hút hàng” tại các thị trường đang nổi lên, thị trường Bắc Mỹ lại là nơi mà người tiêu dùng ít quan tâm nhất đến các thương hiệu hạng sang. 35% số người được hỏi ở đây cho biết họ sẽ không mua thương hiệu hạng sang cho dù tiền không phải là vấn đề.

Khi được hỏi về vấn đề chất lượng sản phẩm, 34% người được hỏi ở Đông Âu, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latin tin rằng thời trang nhà thiết kế có chất lượng tuyệt hảo. Trong khi đó, ở Tây Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ này chỉ là 20%.

“Tại các thị trường đang nổi lên như Mỹ Latin và châu Á – Thái Bình Dương, các thương hiệu nhà thiết kế có ý nghĩa nhiều hơn. Người tiêu dùng ở đây coi thương hiệu sản phẩm mà họ dùng là cách để tạo sự khác biệt với những người khác và khiến họ cảm thấy mình đến từ một tầng lớp khác”, Phó chủ tịch toàn cầu của Nielsen, ông David Boyd, nhận xét.

Quan điểm của người tiêu dùng tại các khu vực khách nhau về hàng “nhái” đang tràn ngập thị trường cũng khác nhau. Hơn 1/4 số người được hỏi ở Bắc Mỹ tin rằng hàng “nhái” cũng tốt như hàng thật, nhưng ở châu Á – nơi vẫn được coi là “công xưởng” của phần lớn lượng hàng giả trên thế giới – người tiêu dùng đánh giá rất thấp những mặt hàng như vậy, với chỉ 8% số người được hỏi cho là hàng rởm có chất lượng như hàng “xịn”.

“Người châu Á thận trọng với hàng “nhái” các sản phẩm thời trang nhà thiết kế hơn cả, trong khi người Mỹ ít quan tâm hơn đến vấn đề này. Có lẽ là do ở Mỹ, các thương hiệu hạng sang được cho là chính thống hơn”, ông Boyd nhận xét.

Categories: Uncategorized
  1. No comments yet.
  1. No trackbacks yet.

Leave a comment